Nhiều địa phương đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người năm 2025

26/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

        Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện tại nhiều địa phương, thu hút sự tham gia tìm hiểu pháp luật của người dân trong cả nước. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp hiện đang triển khai 02 Đề án và 01 Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người: Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028[1]; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” (Công ước CAT)[2], Thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR)[3].
       Để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người, truyền thông về các thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, hàng năm Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người tại địa phương, chủ động lựa chọn hình thức, nội dung phổ biến pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, nhu cầu của người dân.
        Trong Quý I năm 2025 nhiều địa phương đã chủ động ban hành các Kế hoạch riêng thực hiện các Đề án phổ, biến giáo dục pháp luật về quyền con người:  Sở Tư pháp Bắc Ninh, Quảng Bình, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau, Cao Bằng...đặc biệt Sở Tư pháp Hưng Yên triển khai thực hiện đồng bộ 03 Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người.

       Theo đó, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện phong phú, linh hoạt tại các địa phương: Bắc Ninh tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tra tấn tại các cơ quan đơn vị và trực tiếp tổ chức tập huấn tại cơ sở (tổ chức tại 2 đến 4 đơn vị cấp xã hoặc thôn, khu phố tại mỗi đơn vị cấp huyện); Cà Mau tổ chức  cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn” năm 2025 nhằm triển khai phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống tra tấn, phối hợp với Đài Phát thanh- truyền hình Cà Mau xây dựng Phóng sự về quyền con người, các quyền dân sự, chính trị phát trong Chương trình Thời sự, tuyên truyền, phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube, Fanpage.., xây dựng 03 video; biên soạn, thiết kế 30 loại tờ gấp pháp luật điện tử (infographic) tuyên truyền quyền dân sự chính trị đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau; Hưng Yên tăng cường biên soạn các tài liệu giới thiệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và quyền con người phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đẩy mạnh phổ biến các nội dung về quyền con người trên Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế của mỗi cơ quan, địa phương để đăng, phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, bảng tin điện tử và các loại hình thông tin khác, tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người; Quảng Bình thực hiện phổ biến Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, lồng ghép trong thực hiện Ngày Pháp luật; Tây Ninh thực hiện tuyên truyền, phổ biến Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; Cao Bằng tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quyền con người, trọng tâm là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị, xây dựng chuyên mục “Truyền thông về quyền con người” trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh (https://pbgdpl.caobang.gov.vn), đồng thời cập nhật thông tin về kết quả triển khai thực hiện quyền con người của Sở Tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng…
       Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người tích cực tại địa phương đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền con người (quyền dân sự, chính trị, chống tra tấn….), tiếp tục phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản về quyền con người và các thành tựu Việt Nam đạt được tại Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Gắn việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của các Công ước quốc tế về quyền con người và pháp luật Việt Nam về các quyền con người với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
[1] Theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam
[2] Theo Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn
[3] Theo Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc

Xem thêm »