Thời gian qua, cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện theo hướng bảo đảm chặt chẽ hơn, công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Qua đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả tích cực với 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng; thực hiện thoái vốn theo giá trị sổ sách là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có dấu hiệu chậm lại. Giai đoạn năm 2021-2022 ghi nhận 05 doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Một trong các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được kết quả như kế hoạch đã đề ra là “... một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, còn thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa cụ thể...” .

Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn phát sinh thời gian qua; đồng thời để đảm bảo quy định pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2025, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ. Theo đó, dự thảo Nghị định có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng như:
Một là, về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp và phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa. Dự thảo bãi bỏ nội dung quy định về điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp là phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, theo đó bãi bỏ nội dung quy định tại điểm c khoản 1 thuộc điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP; sửa đổi khoản 15 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP theo hướng: “
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường”
[1].
Hai là, để đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của Nhà nước và tránh rủi ro trong việc chuyển lợi ích của Nhà nước sang các tổ chức, cá nhân, dự thảo bổ sung quy định về xử lý tài chính khi cổ phần hóa đối với trường hợp một số chi phí đã được doanh nghiệp cổ phần hóa ghi nhận vào giai đoạn doanh nghiệp nhà nước và được thu hồi sau thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, công ty cổ phần nộp về ngân sách nhà nước hoặc Công ty mẹ - doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vồn điều lệ.
Ba là, do việc quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần liên quan đến việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nên dự thảo bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Hồ sơ quyết toán cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (bao gồm: Báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần).
Bốn là, để phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế quyền thuê cho thời gian thuê đất còn lại hoặc các hợp đồng thuê đất hết thời hạn thuê đất, chưa có hợp đồng thuê đất nhưng doanh nghiệp vẫn đang quản lý, sử dụng và nộp tiền thuê đất hằng năm theo thông báo của cơ quan thuế, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 15, 18 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP theo hướng: (i) Bỏ quy định về việc chỉ tính chênh lệch (giữa tiền thuê đất tính theo giá đất do tổ chức tư vấn xác định và tiền thuê đất doanh nghiệp đang trả) trong 05 năm theo chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất, thay vào đó sẽ tính chênh lệch trong toàn bộ thời hạn thuê đất còn lại; (ii) Bổ sung quy định: “
Đối với trường hợp hợp đồng thuê đất hết thời hạn, không có hợp đồng thuê đất, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát để gia hạn, thu hồi hoặc đấu giá quyền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp, sau khi chuyển nhượng vốn doanh nghiệp vẫn tiếp tục được thuê khi hết thời hạn thuê đất không qua đấu giá quyền thuê, UBND tỉnh có trách nhiệm tính chênh lệch (nếu có) giữa tiền thuê đất tính theo giá đất do tổ chức tư vấn xác định tại thời điểm doanh nghiệp được tiếp tục thuê đất với tiền thuê đất tính theo giá đất mà doanh nghiệp đang thực hiện trả tiền thuê đất để nộp ngân sách nhà nước...” để đảm bảo tính đúng, tính đủ đối với trường hợp có thời hạn thuê đất còn lại ngắn, dẫn đến giá trị chênh lệch không đáng kể, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục được gia hạn quyền thuê đất sau khi hết hạn; (iii) Bổ sung quy định: “
Đối với diện tích đất được miễn tiền thuê đất nhưng không còn đáp ứng điều kiện để được miễn tiền thuê đất thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, tính tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai” để tránh trường hợp doanh nghiệp sau khi chuyển nhượng không còn đáp ứng điều kiện được miễn tiền thuê đất, trong khi chưa tính giá trị quyền sử dụng đất thuê khi chuyển nhượng vốn.
Năm là, sửa đổi quy định tại khoản 21 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP theo hướng: “
Sau 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vồn điều lệ theo quy định tại Nghị định này hoặc không thuộc phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ mà nguồn vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu, Quỹ đầu tư phát triển và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản) trên cáo cáo tài chính năm của doanh nghiệp lớn hơn mức vốn điều lệ đã được phê duyệt của năm trước liền kề, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo việc doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước” để quy định rõ mốc thời hạn đối với các trường hợp chưa lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ hoặc không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
[1] Từ ngày 18/02/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.