Sáng ngày 03/4/2025, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp công bố Lệnh của Chủ tịch nước số 05/20025/L-CTN ngày 24/3/2025 công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2025.

Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì họp báo. Tham dự họp báo có các đồng chí: Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh và đối ngoại; Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại diện bộ ban ngành trung ương và các cơ quan, phóng viên báo chí, thông tấn.
“Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người" – đây là quyết định của Bộ Chính trị sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Trong suốt 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt này nhằm giữ gìn lâu dài, mãi mãi, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, phần lớn các quy định pháp luật hiện hành chỉ mới tập trung vào việc quản lý, bảo vệ công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được quy định, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc bất cập. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Pháp lệnh là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 chương, 32 Điều, gồm: Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8), Chương II. Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ Điều 9 đến Điều 12), Chương III. Quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực, hoạt động trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ Điều 13 đến Điều 26), Chương IV. Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ Điều 27 đến Điều 29), Chương V. Ngân sách bảo đảm chế độ, chính sách đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ Điều 30 đến Điều 31), Chương VI. Điều khoản thi hành (Điều 32).
Theo đó, Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia bao gồm: a) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; b) Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; c) Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Khu Di tích K9); d) Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp lệnh quy định, việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: hoạt động y tế-kỹ thuật, hoạt động khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các công trình, khu vực trong Khu Di tích Lăng được quản lý, vận hành, bảo quản, bảo trì, bảo đảm kỹ thuật theo đúng quy định pháp luật. Pháp lệnh cũng quy định việc ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ: giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cấp hệ thống trang thiết bị kỹ thuật các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích; đón tiếp, tuyên tuyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích.
Về chế độ, chính sách, Pháp lệnh quy định người thuộc lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật và các chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Ưu tiên thu hút, tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng, nhà khoa học có chuyên môn sâu, học viên, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và có đủ các tiêu chuẩn quy định vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập để bảo vệ chặt chẽ, quản lý hiệu quả Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Pháp lệnh được ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để triển khai thi hành Pháp lệnh, cùng với việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (trong đó Chính phủ cần ban hành 01 Nghị định; Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành các Thông tư), tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã đề nghị các cơ quan, báo chí, thông tấn quan tâm phổ biến rộng rãi cho Nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh./.
Nguyễn Thị Thạo – Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý