Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực biên giới: Đối thoại thẳng thắn, phối hợp dài hạn vì môi trường đầu tư ổn định

06/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 06/5/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PB&TG) đã tổ chức buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu đại diện cho doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Buổi làm việc diễn ra trong không khí cởi mở, hợp tác, ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh thiết thực từ phía doanh nghiệp, đồng thời thể hiện rõ vai trò điều phối chính sách pháp luật của Bộ Tư pháp.

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tư pháp có Ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PB&TG, Bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng cùng đại diện các phòng chuyên môn thuộc Cục. Về phía các cơ quan liên quan có đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Phía doanh nghiệp Trung Quốc có sự tham dự của ông Tô Nhật Hảo - Giám sát viên Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Tây tại Việt Nam, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Duy Quán Quảng Tây tại Hà Nội; ông Lin Ren Sen - đại diện Ngân hàng Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cùng một số doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Ông Lê Vệ Quốc - Cục PB&TG - nhấn mạnh: "Hỗ trợ pháp lý không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, mà là một định hướng chiến lược, thể hiện cam kết lâu dài của Bộ Tư pháp đối với cộng đồng doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biên giới - khu vực có nhiều đặc thù cả về pháp lý, hành chính và thương mại.
Cục PB&TG được giao là đầu mối triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 81/QĐ-TTg, đồng thời thực hiện nhiệm vụ điều phối chính sách pháp luật tại thực địa. Với vai trò này, Cục không chỉ tổng hợp phản ánh, mà còn chủ động tham mưu, đề xuất, tổ chức các mô hình hỗ trợ pháp lý phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, từng địa bàn, trong đó khu vực biên giới luôn là trọng điểm ưu tiên. Những kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn doanh nghiệp là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm rà soát, hoàn thiện thể chế, đồng thời kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn pháp lý cụ thể một cách thiết thực và khả thi.".
Đại biểu doanh nghiệp Trung Quốc nêu kiến nghị cụ thể: Tại buổi làm việc, các đại biểu Trung Quốc đã nêu ra nhiều vấn đề đang gặp phải trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại khu vực biên giới như: khó khăn trong thủ tục xin visa dài hạn, giấy phép lao động; bất cập trong quy trình chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; thiếu tài liệu pháp luật bằng tiếng Trung; mong muốn được tiếp cận hỗ trợ pháp lý thường xuyên và có định hướng rõ ràng về pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất xem xét khả năng thí điểm thanh toán song phương bằng nhân dân tệ - đồng Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho thương mại biên giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Nhật Hảo và ông Lin Ren Sen đều đánh giá cao vai trò chủ động, cầu thị và nhất quán trong định hướng hỗ trợ pháp lý của Bộ Tư pháp Việt Nam, được thể hiện rõ qua các hoạt động chuyên môn của Cục PB&TG. Hai đại biểu cho rằng, sự hiện diện trực tiếp của lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan tại buổi làm việc thể hiện tinh thần hợp tác, lắng nghe từ phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế đối thoại định kỳ - nơi doanh nghiệp Trung Quốc có thể trao đổi thẳng thắn với các cơ quan quản lý, đồng thời nhận được hướng dẫn kịp thời về quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, thuế, hải quan, xuất nhập cảnh và các thủ tục hành chính khác. Việc có được một đầu mối rõ ràng để hỗ trợ pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ "hiểu đúng" mà còn "làm đúng" theo pháp luật Việt Nam, qua đó giảm thiểu rủi ro, nâng cao sự minh bạch và tạo môi trường pháp lý ổn định, nhất quán trong thực thi chính sách.
Phản hồi từ phía cơ quan quản lý Việt Nam: Đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng - ghi nhận các ý kiến từ phía doanh nghiệp Trung Quốc là thiết thực, cụ thể, cho thấy nhu cầu cấp thiết về một cơ chế hỗ trợ pháp lý ổn định và có định hướng rõ ràng từ phía Nhà nước. Bà cho rằng doanh nghiệp FDI nên chủ động đăng ký làm thành viên của Hiệp hội Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - tổ chức đại diện chính thức được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến và mời tham gia vào quá trình xây dựng chính sách.
Ngoài ra, bà cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng tiếng nói chung thông qua liên kết theo ngành, lĩnh vực, địa bàn để hình thành nhóm đại diện có đủ năng lực trao đổi trực tiếp với cơ quan nhà nước. Việc hình thành tiếng nói chung sẽ giúp phản ánh đúng bản chất vấn đề, góp phần tăng cường hiệu quả tiếp nhận, xử lý kiến nghị và cải thiện chất lượng chính sách pháp luật trong giai đoạn mới.
Định hướng tiếp theo của Cục PB&TG: Kết thúc buổi làm việc, Cục trưởng Lê Vệ Quốc ghi nhận toàn bộ các ý kiến từ phía doanh nghiệp Trung Quốc, đánh giá đây là nguồn thông tin có giá trị thực tiễn cao, phản ánh đúng những điểm nghẽn đang tồn tại trong việc tiếp cận pháp luật và thực thi chính sách tại khu vực biên giới. Những phản ánh này sẽ là căn cứ quan trọng để Cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ, đặc biệt là các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đầu tư, hải quan, tài chính, ngân hàng, xuất nhập cảnh… để rà soát, nghiên cứu và đề xuất giải pháp phù hợp trong khung khổ pháp luật hiện hành.
Cục sẽ chủ động tổ chức thêm các buổi đối thoại chuyên đề theo nhóm ngành, lĩnh vực hoặc theo từng địa phương trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý, hướng tới thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp FDI. Đồng thời, Cục cũng sẽ tăng cường biên soạn và phát hành các tài liệu pháp luật song ngữ Việt - Trung, ứng dụng công nghệ pháp lý để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, chính xác và kịp thời. Việc này không chỉ góp phần nâng cao năng lực nội tại cho doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật, mà còn tạo nền tảng để xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực biên giới.
Buổi làm việc không chỉ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp phải khi đầu tư và kinh doanh tại khu vực biên giới, mà còn mở ra một hướng đi dài hạn trong việc xây dựng cơ chế hợp tác pháp lý bền vững giữa cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Đây là bước đi có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Thông qua hoạt động tiếp nhận, đối thoại và ghi nhận chính thức tại cấp trung ương, Bộ Tư pháp - thông qua Cục PB&TG - tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, là nơi thúc đẩy tiếng nói của thực tiễn đến với quá trình hoạch định chính sách pháp luật. Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ pháp lý sẽ được mở rộng cả về quy mô lẫn chiều sâu, đặt trọng tâm vào việc nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt tại các địa bàn có tính liên kết cao về kinh tế, thương mại và xuất nhập khẩu như khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Anh Tú 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »