Quảng Ninh tích cực triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở

22/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Năm 2024, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, lan tỏa tinh thần "thượng tôn pháp luật", trở thành cầu nối quan trọng giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các cấp, các ngành, địa phương đã và đang triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch trong công tác PBGDPL đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp, nhất là 11 chuyên đề trọng điểm theo Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND tỉnh. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được tăng cường như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, biên soạn bài giảng điện tử, sổ tay, tờ gấp pháp luật điện tử, infographic, thông qua cổng/trang thông tin điện tử... Việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL được đổi mới gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân người đứng đầu.

Đa dạng hóa các mô hình PBGDPL
Tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, nhất là nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này; quan tâm xây dựng các mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tại địa phương, gắn kết với triển khai các tiêu chí, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo đó, mô hình PBGDPL là tổng thể gồm các quy trình, cách thức được thiết lập, kết cấu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm tổ chức thực hiện một hoạt động PBGDPL đạt mục tiêu dự kiến.
Theo đó, mô hình PBGDPL cần có các yếu tố sau: Chủ thể tiến hành PBGDPL; nội dung PBGDPL; đối tượng hướng tới của hoạt động PBGDPL; cách thức hoạt động, vận hành của mô hình; điều kiện, nguồn lực bảo đảm để đạt được mục tiêu của công tác PBGDPL (bao gồm kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực); cơ chế giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm khi triển khai thực hiện.
Về các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của mô hình PBGDPL bao gồm mô hình có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức pháp luật của đối tượng tác động; việc triển khai mô hình ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; mô hình có tính khả thi, đã, đang được triển khai tại địa phương, cơ sở, hướng tới các đối tượng cụ thể trong thực tiễn; mô hình có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài; mô hình có thể được nhân rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng cụ thể.
Trên cơ sở đó, nhiều mô hình hiệu quả về PBGDPL tiếp tục được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh duy trì, phát huy và xây dựng mới như: Mô hình "Câu lạc bộ bạn giúp bạn" (phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả); Mô hình "Truyền thanh pháp luật" (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); Mô hình PBGDPL thông qua các lớp đào tạo nghề, sát hạch lái xe (Sở Giao thông Vận tải); Mô hình "Tăng cường PBGDPL kết hợp giới thiệu việc làm cho ngư dân (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); mô hình 02 khéo “Khéo tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, “Khéo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo an toàn PCCC” (Công an tỉnh); Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi - một đáp án đúng”, Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa cơ sở” (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh); Mô hình “Cặp lá yêu thương”, Mô hình “Kể chuyện theo án” (Uông Bí, Tỉnh đoàn); “Phiên tòa giả định” (Bình Liêu); “Gia đình hạnh phúc, 5 không 3 sạch, địa chỉ tin cậy” (Quảng Yên)... Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì các câu lạc bộ "Nông dân với Pháp luật", "Phụ nữ với Pháp luật", "Thanh niên với Pháp luật"...
Nghiên cứu ban hành Tiêu chí riêng thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL
Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” và Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, ngày 30/10/2024, Sở Tư pháp đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND về tổ chức đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở Tiêu chí chung do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tại Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Hà Nội...), căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tư pháp đã dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí riêng thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa từng tiêu chí chung do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, đồng thời bổ sung một số tiêu chí riêng cho phù hợp với lĩnh vực, phạm vi thí điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cơ cấu điểm số một cách phù hợp. Theo đó, về lĩnh vực thí điểm: Đánh giá hiệu quả PBGDPL về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây viết tắt là chống khai thác IUU); thời gian thí điểm: năm 2025 và 2026; đối tượng áp dụng thí điểm: Tại 03 địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 30/10/2024).
Về tiêu chí riêng được áp dụng để đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL thông qua 02 nhóm tiêu chí (được tính trên thang điểm 100%):
a) Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL (Tổng điểm là 45 điểm). Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở lượng hóa mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương, cụ thể: Mức độ hoàn thành trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL hằng năm về chống khai thác IUU; mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong Kế hoạch PBGDPL về chống khai thác IUU tại địa phương; mức độ bảo đảm nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL theo Kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; mức độ bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch PBGDPL về chống khai thác IUU hằng năm được phê duyệt; mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL về chống khai thác IUU; mức độ đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL về chống khai thác IUU; mức độ hoàn thành trách nhiệm về xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả về PBGDPL về chống khai thác IUU.
b) Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể (Tổng điểm là 55 điểm): gồm mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng về chất lượng tổ chức các hoạt động PBGDPL và mức độ tác động của các hoạt động PBGDPL về chống khai thác IUU. Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định về hướng dẫn sử dụng Tiêu chí riêng (gồm: Quy trình thực hiện; thời điểm đánh giá; tài liệu kiểm chứng; phương pháp đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá) và tổ chức thực hiện.
Việc ban hành Tiêu chí riêng thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ xác định phương pháp, các thức đánh giá hiệu quả công tác này bảo đảm khoa học, khả thi, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng hoạt động PBGDPL, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này thực sự là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống, gần dân, sát dân và hướng mạnh về cơ sở./.
 
Đinh Thị Ánh Hồng
Chuyên viên Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »