Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông năm 2025

31/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Thông tư quy định việc tổ chức tuyển sinh trung học phổ thông năm 2025 phải bảo đảm nguyên tắc an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc; bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

1. Đối tượng tuyển sinh trung học phổ thông là các học sinh, học viên  tốt nghiệp trung học cơ sở, trong độ tuổi vào học lớp 10 theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước; Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 03 tuổi so với tuổi quy định; Học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học; Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
2. Phương thức tuyển sinh trung học phổ thông vẫn giữ nguyên như các năm trước: Hằng năm tổ chức 01 lần tuyển sinh trung học phổ thông; việc tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo 01 trong 03 phương thức, đó là: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Cụ thể, việc xét tuyển được thực hiện dựa trên căn cứ xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. Việc thi tuyển được thực hiện bằng hình thức tổ chức thi trực tiếp tại trường học với 03 môn học chính được chọn, hình thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển với xét tuyển sẽ thực hiện kết hợp theo quy định riêng lẻ của từng hình thức.
3. Đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tuyến từ năm 2025. Trường hợp địa phương chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông đối với các trường thuộc phạm vi quản lí. Riêng đối với các trường, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, việc đăng kí tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
4. Kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, bao gồm các nội dung cơ bản sau: đối tượng tuyển sinh; chỉ tiêu và địa bàn tuyển sinh; phương thức tuyển sinh; chế độ tuyển thẳng, ưu tiên, khuyến khích; thời gian xét tuyển và công bố kết quả tuyển sinh. Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở. Căn cứ kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông đã được phê duyệt, Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông xây dựng và thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh của nhà trường; tổ chức việc đăng kí tuyển sinh, tiếp nhận và chuẩn bị nội dung đăng kí tuyển sinh.
5. Tổ chức thi tuyển được thực hiện như sau: Các học sinh sẽ thi 03 môn học chính, trong đó Toán, Văn là hai môn bắt buộc, môn thi thứ ba sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 trong 02 phương án: (i) Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 năm liên tiếp; (ii) Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn. Môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm. Việc cho phép địa phương lựa chọn môn thi hoặc bài thi thứ ba bảo đảm việc học tập toàn diện của học sinh, tránh hiện tượng học lệch học tủ.
6. Thời gian làm bài thi: môn Ngữ văn: 120 phút; môn Toán: 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba: 60 phút hoặc 90 phút; bài thi thứ ba: 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 9. Đối với việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên, học sinh phải thi các môn thi, bài thi quy định tại khoản này và 01 (một) môn thi chuyên. Mỗi môn chuyên có 01 (một) đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »