Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030

03/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xu thế tất yếu, khách quan đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia thông qua việc một số chính sách, văn bản như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi số như Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện các chủ trương trên, ngày 02/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1087/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”. Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đề án được ban hành có một số nội dung chủ yếu sau đây:

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”; xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu tại Uỷ ban Dân tộc. Trong giai đoạn 2026 – 2030, Đề án đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, phát triển xã hội số, phát triển kinh tế số. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể đáng chú ý gồm: 100% lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc sử dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường số; 100% các thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ dịch vụ viễn thông, Internet cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Đề án đặt ra 05 nhiệm vụ cần tổ chức triển khai thực hiện Đề án gồm: chuyển đổi nhận thức; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; xây dựng, phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Đồng thời, đề ra 06 giải pháp để tổ chức thực hiện Đề án, trong đó, có các giải pháp: (i) chú trọng tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước về công tác dân tộc và trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; (ii) rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; rà soát, bổ sung các kiến trúc, quy chế, quy định về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc bảo đảm phù hợp kiến trúc Chính phủ điện tử, các chương trình quốc gia, chiến lược quốc gia, kế hoạch liên quan chuyển đổi số quốc gia; (iii) xây dựng và phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc….
Kinh phí thực hiện Đề án được lấy từ ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách và chi đầu tư phát triển được cân đối hằng năm cho các bộ, ngành, địa phương theo quy định, kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng tham gia Đề án. Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Dân tộc chủ trì tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện Đề án./.
 
Lê Nguyên Thảo
 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »