Tây Ninh đạt nhiều kết quả nổi bật trong Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực thi hành

18/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực hiện Công văn số 1482/BTP-PB&TG ngày 20 tháng 3 năm 2025 của Bộ Tư pháp về việc tổng kết Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện như sau:

Công tác quán triệt, triển khai thực hiện: Để triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3135/KH-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 và tổ chức hội nghị quán triệt những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý. 
Về tổ chức, bộ máy trợ giúp pháp lý tại địa phương: Về biên chế: Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành cho đến nay, Trung tâm được giao 18 biên chế. Tổng số biên chế hiện có (bao gồm người làm việc theo hợp đồng của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) là 13 người. Về Chi nhánh của Trung tâm: Khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành, Tây Ninh không thành lập mới Chi nhánh trợ giúp pháp lý.
Về kết quả vụ việc trợ giúp pháp lý: Bám sát các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, Tây Ninh tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng (đặc biệt là trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính). Theo đó, số vụ việc trợ giúp pháp lý tại địa phương hằng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ tăng trung bình từ 10-15% so với cùng kỳ.
Triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tổng số 1.923 vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng, trong đó số vụ việc đạt tiêu chí thành công, hiệu quả là 336 vụ, chiếm tỷ lệ 17,47%. Chất lượng tham gia tố tụng và tranh luận của các Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng đảm bảo cho các vụ án được giải quyết khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 10 năm 2024, 100% Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh tham gia tố tụng đều đạt chỉ tiêu tốt về số vụ việc theo quy định của Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp. Công tác thẩm định và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý luôn được địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, đảm bảo 100% vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành đều được thẩm định và đánh giá chất lượng, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý: Thực hiện Chiến lược phát triển và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể: Trước khi có đề án đổi mới: Trung tâm có 03 Trợ giúp viên pháp lý hạng III; triển khai thực hiện Đề án đổi mới: Trung tâm có 07 Trợ giúp viên pháp lý hạng III; khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành có 07 Trợ giúp viên pháp lý (01 Trợ giúp viên pháp lý hạng II, 06 Trợ giúp viên pháp lý hạng III) và 10 Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hằng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn về công tác trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương. 100% Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn.
Về huy động lực lượng xã hội tham gia trợ giúp pháp lý: Triển khai các hoạt động của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, có 21 Luật sư tại các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng làm cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý. Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, có 10 Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Kết quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý: Công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý được chú trọng thực hiện trong cả 03 giai đoạn, bằng nhiều hình thức như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề pháp luật; biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp pháp luật dưới hình thức cuốn sổ tay, trang bị các Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng và các địa phương… Qua kết quả truyền thông, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã biết về trợ giúp pháp lý cũng như chính sách nhân đạo mà Đảng và Nhà nước đã dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt là những người nghèo, người già cô đơn, người có công với cách mạng, người khuyết tật… tạo ra cơ chế cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những nhóm dân cư bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp họ tiếp cận với các quy định của pháp luật, có điều kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Thực hiện Chiến lược phát triển và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, hằng năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với các địa phương thực hiện từ 50 đến 60 đợt trợ giúp pháp lý lưu động để truyền thông công tác trợ giúp pháp lý. Kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành, hằng năm phối hợp với địa phương thực hiện từ 30 đến 40 đợt truyền thông công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật.
Vũ Nhâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »